Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

“Quả ngọt” trên vùng gò đồi

Bắt tay vào khai phá vùng gò đồi từ năm 2018, đến nay, sau gần 6 năm “cày ải”, vợ chồng anh Bùi Quang Huyên ở tại thôn Thượng Phước, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong đã biến vùng đất khô cằn, sỏi đá thành trang trại tổng hợp với doanh thu hàng tỉ đồng mỗi năm.

      Chia sẻ về mô hình trang trại của mình, anh Huyên cho biết, diện tích này trước đây vốn là đất rừng trồng cây keo lai của gia đình, thu nhập mang lại không cao. Với quyết tâm chuyển đổi sang các loại cây trồng khác, sau khi tìm hiểu kỹ, năm 2018, được sự hỗ trợ từ Dự án phát triển cây ăn quả đặc sản, liên kết theo chuỗi giá trị của Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai, anh đã quyết định chuyển 4 ha đất rừng này sang trồng cam và xây dựng trang trại tổng hợp. Trong quá trình trồng và chăm sóc, với kinh nghiệm nhiều năm làm kinh tế vườn đồi, và định hướng của ngành nông nghiệp tỉnh, anh Huyên nhận thấy nếu trồng cây ăn quả hàng hóa theo cách thông thường thì hiệu quả kinh tế mang lại cũng không cao. Không những thế còn ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân và người tiêu dùng. Vậy là anh quyết định chuyển hướng sang sản xuất hữu cơ với 3ha cam xã Đoài mà anh đã tham gia mô hình.
      Nghĩ thì dễ nhưng bắt tay vào làm mới thấy khó. Thời gian đầu thực hiện, anh Huyên gặp không ít khó khăn vì công sức bỏ ra khá lớn. Để cây cam phát triển khỏe mạnh, cho trái ngọt, trong vườn anh bón hoàn toàn bằng phân hữu cơ từ phân chuồng hoai mục; tìm hiểu và sử dụng phương pháp thủy phân, ngâm ủ cá làm phân bón để tưới cho cây. Bình quân một năm, anh mua hàng chục tấn phân chuồng, nhiều tấn cá tươi về ủ với chế phẩm để bón cho vườn cam nhằm tạo độ ngon, ngọt. Không phụ lòng người, từ ngày bén rễ trên đất đồi Thượng Phước, cây cam xã Đoài tỏ ra phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu tại đây nên phát triển rất tốt. Cộng với việc được bón bằng các loại phân hữu cơ nên đất đai trong vườn ngày càng tơi xốp, cây cam cho quả nhiều, mọng nước và hạn chế được hiện tượng rụng quả
     Sau gần 6 năm kiên trì, nỗ lực theo đuổi trồng cam hữu cơ, hiện tại anh Huyên đã có trong tay vườn cam với trên 1.300 gốc, thực hiện theo tiêu chuẩn “5 không”: không phân bón hóa học, không thuốc bảo vệ thực vật, không thuốc diệt cỏ, không kích thích tăng trưởng và không chất bảo quản. Đặc biệt, đầu năm 2024, với sự hỗ trợ của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, vườn cam của anh đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam. Theo tính toán của anh Huyên, với 1.300 gốc cam đang bắt đầu cho thu hoạch rộ, dự kiến năm nay gia đình anh thu khoảng 15 – 20 tấn quả. Với giá bán hiện tại khoảng 20.000-25.000 đồng/kg, trừ chi phí anh thu lãi khoảng 150 – 200 triệu đồng. 
      Không dừng lại ở đó, tận dụng phần diện tích còn lại, năm 2020, anh Huyên quyết định đầu tư gần 1,7 tỉ đồng xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn công nghiệp với đầy đủ các trang thiết bị, công nghệ hiện đại phục vụ cho việc chăn nuôi như hệ thống máng ăn, cho uống tự động, quạt làm mát, đèn sưởi, hầm biogas… Ban đầu anh thả nuôi với công suất 500 con/lứa nhưng từ năm 2022 trở lại đây, do tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp cộng với giá bán không ổn định nên anh giảm quy mô nuôi mỗi lứa xuống còn 250 con. Theo anh Huyên, nuôi lợn công nghiệp có nhiều ưu điểm hơn so với nuôi truyền thống như trước kia, đàn lợn khỏe mạnh, ít bị dịch bệnh, tăng trọng nhanh, tỉ lệ thịt xẻ cao, được thương lái ưa chuộng. Tuy nhiên, để đàn lợn phát triển ổn định người nuôi phải nắm vững kiến thức thú y, định kỳ tiêm phòng các loại vắc xin, phun thuốc tiêu độc khử trùng chuồng trại cũng như thường xuyên theo dõi sức khỏe đàn lợn để xử lý kịp thời những mầm bệnh phát sinh. Hiện tại, bình quân mỗi năm anh thả nuôi từ 2 – 3 lứa. Một lứa nuôi từ 3,5 – 4 tháng lợn đạt kích cỡ khoảng 1,1 tạ/con. Tùy theo giá bán từng thời điểm nhưng trừ chi phí anh cũng thu lãi từ 200 triệu đồng đến trên 1 tỉ đồng mỗi năm. “Đối với nuôi lợn thịt theo quy mô công nghiệp, chỉ cần giá bán từ 53.000 đồng/kg lợn hơi trở lên là người chăn nuôi đã có lãi. Lúc cao nhất lên tới 68.000 đồng/kg, thời điểm đó tôi lãi ròng gần 1,8 triệu đồng một con lợn”, anh Huyên cho hay.
      Đầu năm 2024, anh Huyên lại bén duyên với Trung tâm Khuyến nông tỉnh để thực hiện Mô hình nuôi bò thịt thâm canh, liên kết tiêu thụ sản phẩm khi đáp ứng được yêu cầu về nguồn vốn đối ứng giống bò khá lớn và hệ thống chuồng trại, vườn cỏ, ngô sinh khối, thức ăn dồi dào từ trang trại. Tham gia mô hình, anh được hỗ trợ 50% nguồn thức ăn, men, bao ủ thức ăn và được hướng dẫn kỹ thuật tận tình. Với tiềm lực kinh tế của gia đình sau bao năm gây dựng, anh mạnh dạn đầu tư 12 con bò thịt, 12 con trâu nghé với tổng vốn đầu tư 400 triệu đồng để nuôi thâm canh vỗ béo. Trọng lượng ban đầu mỗi con trâu, bò là 1,5-2,3 tạ, sau 7 tháng vỗ béo bằng thức ăn tinh và thô như cỏ, rơm, ngô sinh khối ủ lên men, bã bia… đến nay trọng lượng mỗi con đã đạt 3,7-4,2 tạ, dự kiến cuối tháng 10 tới sẽ cho xuất chuồng. Với số lượng trâu, bò, lợn nuôi trong trang trại thì nguồn phân hữu cơ đó chúng tôi ủ hoai mục để bón cho vườn cam và vườn cỏ, ngô sinh khối tạo nên một trang trại tuần hoàn khép kín, tiết kiệm được chi phí đầu tư.
      Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Triệu Phong - Hoàng Thị Thùy Trang chia sẻ, trang trại tổng hợp của anh Huyên là một trong những mô hình trang trại tiêu biểu trên địa bàn huyện. Đặc biệt, diện tích cam được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam là diện tích cây có múi đầu tiêu được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ của huyện Triệu Phong, cũng là mô hình của Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ về cây giống, vật tư, hệ thống tưới tiêu và hướng dẫn kỹ thuật từ những ngày đầu thực hiện. Nhờ sản xuất theo hữu cơ nên giá trị sản phẩm được nâng lên rất nhiều. Không những thế, thông qua mô hình đã từng bước giúp người nông dân thay đổi nhận thức về sản xuất nông nghiệp chất lượng. Đây cũng là hướng phát triển bền vững, nâng cao thu nhập cho nông dân và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. 


Lan Anh, Trần Thúy - TTKN

Đang truy cập: 16

Hôm nay: 1589

Tổng lượt truy cập: 3.555.264