Chi tiết - Sở nông nghiệp môi trường
THẬN TRỌNG KHI TÁI ĐÀN GIA SÚC, GIA CẦM SAU TẾT NGUYÊN ĐÁN ẤT TỴ
- Ngày đăng: 05-02-2025
- 75 lượt xem
Sau dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ, số lượng gia súc, gia cầm thường giảm mạnh do nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng tập trung lượng thực phẩm cho dịp tết Nguyên Đán và mùa lễ hội Xuân 2025, vì vậy việc tái đàn, nhập đàn gia súc, gia cầm là một nhu cầu tất yếu. Tuy nhiên không ít người chăn nuôi do chủ quan, nóng vội đã nhập đàn, tái đàn một cách ồ ạt, thiếu cân nhắc, tính toán dẫn đến những rủi ro đáng kể. Để tái đàn có hiệu quả, đảm bảo chủ động nguồn cung cấp thực phẩm ra thị trường đáp ứng nhu cầu cho người tiêu dùng trong thời gian tới, đồng thời làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, các cơ sở, hộ chăn nuôi không nên nhập ồ ạt trong khi thị trường nhu cầu đàn có những biến động bất thường. Kinh nghiệm của những người chăn nuôi hiệu quả cho hay, chỉ nhập đàn và tái đàn trong điều kiện mặt bằng giá động vật và sản phẩm động vật trên thế giới và ở Việt Nam tương đương nhau, không chênh lệnh quá lớn và dịch bệnh ổn định. người chăn nuôi cần tìm hiểu thông tin về dự báo và diễn biến thị trường, về lượng cung cầu, nơi tiêu thụ sản phẩm để đầu tư số lượng đàn sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế; tránh tư tưởng nóng vội; không tái đàn ồ ạt, nhất là tại các cơ sở chăn nuôi và vùng đã xảy ra dịch bệnh trước đó. Bên cạnh đó người chăn nuôi cần quan tâm lưu ý một số yêu cầu sau khi tái đàn:
1. Về con giống: Sau Tết Nguyên đán, người chăn nuôi nên duy trì đàn giống bố mẹ để bảo đảm nguồn con giống có chất lượng; đối với những cơ sở, hộ chăn nuôi nhập con giống bên ngoài, cần nhập giống tại các cơ sở có uy tín, đảm bảo chất lượng, con giống phải khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng và đã được tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm đầy đủ theo quy định của cơ quan chuyên môn; có giấy chứng nhận kiểm dịch (ngoại tỉnh); tiến hành nuôi cách ly ít nhất 2 tuần trước khi nhập đàn. Không nhập con giống không có nguồn gốc rõ ràng hay con giống ở vùng có dịch để tránh thiệt hại và làm lây lan dịch bệnh trên địa bàn.
2. Về chăm sóc, nuôi dưỡng: thời tiết sau Tết thay đổi đột ngột, diễn biến nắng, mưa bất thường, nhiệt độ chênh lệch ngày và đêm lớn; độ ẩm không khí cao là điều kiện để dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm phát triển, người chăn nuôi nên cải tạo lại chuồng trại thông thoáng, tránh gió lùa, mưa dột; Tăng cường vệ sinh cơ giới; thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng chuồng trại thường xuyên và có biện pháp xử lý chất thải phù hợp (biogas, ủ phân,…).
Đối với gia súc, gia cầm non mới nhập về nuôi cần có đèn sưởi, đặc biệt là thời gian ban đêm; bổ sung thêm chất độn chuồng để giữ ấm, tránh ẩm, bẩn chuồng nuôi.
Bên cạnh đó, cần cung cấp thức ăn, nước uống sạch, khẩu phần ăn bảo đảm đầy đủ dinh dưỡng; bổ sung vitamin, men tiêu hóa vào thức ăn, nước uống để nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi phát triển khỏe mạnh nhất là vào những thời điểm thời tiết thay đổi đột ngột.
3. Về công tác thú y, phòng, chống dịch bệnh:
Vệ sinh, tiêu độc, khử trùng dụng cụ, trang thiết bị phục vụ chăn nuôi và các phương tiện dùng để vận chuyển gia súc, gia cầm, thức ăn... trước khi ra, vào chuồng nuôi.
Tiêm phòng là biện pháp phòng bệnh chủ động, tích cực, hiệu quả và kinh tế nhất, vì vậy cần thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm theo quy định.
Trong quá trình chăn nuôi, người dân phải thường xuyên theo dõi quan sát đàn vật nuôi, khi thấy những hiện tượng bất thường cần cách ly để kiểm tra, theo dõi, điều trị và kịp thời báo cho cán bộ thú y để được hướng dẫn biện pháp phòng, trị bệnh thích hợp.
Để đảm bảo quyền lợi, người chăn nuôi cần thực hiện nghiêm việc kê khai chăn nuôi ban đầu theo thông tư 18/2023/TT-BNNPTNT sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT ngày 30 tháng 11 năm 2019 với chính quyền địa phương khi tái đàn. Trường hợp gia súc, gia cầm không may xảy ra dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phải tiêu hủy bắt buộc sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước. Trường hợp không khai báo chăn nuôi khi xảy ra dịch bệnh không những không được hỗ trợ thiệt hại, mà còn bị xử lý vi phạm hành chính khi để xảy ra dịch bệnh
Ngoài ra, để công tác tái đàn thành công, phát triển chăn nuôi bền vững nên hợp tác xây dựng liên kết chuỗi để có sự chủ động hợp tác về con giống, thức ăn, thuốc thú y, vật tư trang thiết bị trong chăn nuôi, các điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng tạo đầu ra cho sản phẩm khi tái đàn nhập đàn. Nắm bắt thông tin về tình hình và diễn biến dịch bệnh để có kế hoạch nhập đàn tái đàn hiệu quả.
Bùi Thị Trang Nhung
Trạm Chăn nuôi và Thú y liên huyện Gio Linh-Cồn Cỏ
Đang truy cập: 1
Hôm nay: 95
Tổng lượt truy cập: 18.654